Tác phẩm văn chương là bức tranh về hiện thực cuộc sống được nhìn qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Vì vậy, mỗi tác phẩm văn chương đều chứa đựng những tâm tư, tình cảm, ước vọng của tác giả. Nói đúng hơn, tác phẩm văn chương nào cũng mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Thông qua tác phẩm văn chương, tác giả bày tỏ sự đau xót trước một cảnh đời éo le, một số phận hẩm hiu, bất bình trước những hủ tục thối nát của xà hội phong kiến xưa, gián tiếp phê phán những bất công trong xã hội đương thời…. Đấy chính là bức thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình.
Vì vậy, khi tìm hiểu tác phẩm văn chương, nhất thiết chúng ta phải đọc kỹ tác phẩm. Có đọc kỹ tác phẩm, chúng ta mới hiểu được giá trị đích thực mà tác phẩm đề cập tới.
1. Đọc kỹ tác phẩm:
Đọc một tác phẩm văn chương không đồng nghĩa với đọc một bài báo hay xem một cuốn truyện theo kiểu giải trí, tìm thông tin. Đọc tác phẩm văn chương là phải tập trung, chú ý theo dõi diễn biến, tình tiết… của tác phẩm. Nói cách khác, đọc tác phẩm văn chương là đọc bằng cả tâm tư tình cảm và sự rung động của con tim. Có như vậy, người đọc mới thấy được cái hay, cái đẹp mà tác phẩm mang đến.
Đọc tác phẩm văn chương không thể đọc theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa mà phải đọc nghiêm túc, trân trọng. Có những tác phẩm ta không chỉ đọc một, hai, ba mà phải đọc nhiều lần mới hiểu được nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Điều lý thú là mỗi lần đọc như vậy, ta có thể vén được bức màn bí mật mà lần đọc trước ta chưa tìm thấy hoặc cũng có thể phát hiện thêm nhiều ý nghĩa tiềm ẩn bên trong tác phẩm.
Ví dụ 1: Đọc tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Nếu chỉ đọc lướt qua lần đầu thì chúng ta chỉ thấy đó là một bức tranh miêu tả đa dạng về các loài vật mà tập trung là qúa trình trưởng thành và sử nhận thức của Dế Mèn. Nhưng nếu đọc kỹ và suỹ nghĩ thì đấy không chỉ là bức tranh miêu tả một cách đa dạng và phong phú thế giới các loài vật mà qua đó nhà văn muốn nói đến con người và mối quan hệ với đồng loại. Cái hay của tác phẩm là miêu tả loài vật mà vẫn làm toát lên được cuộc sống và mối quan hệ của con người.
Ví dụ 2: Đọc bài ca dao :
“Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”
Bài ca dao này có hai lớp nghĩa. Nếu chỉ đọc lướt qua ta chỉ thấy lớp nghĩa bề nổi: một bà già đi xem bói ở chợ Cầu Đông xem lấy chồng có lợi không và bà được thầy bói trả lời: bà có lợi nhưng răng không còn. Còn đọc kỹ và suy ngẫm, ta sẽ phát hiện ra sự hài hước, hóm hỉnh của tác giả dân gian thông qua biện pháp chơi chữ thể hiện trong câu đối đáp của bà già và ông thầy bói.
Khi bà già hỏi ông thầy bói xem bà lấy chồng có được lợi gì không? (Ý của bà là có ích lợi gì không?) thì ông thầy bói lại trả lời: bà còn lợi nhưng không còn răng. “Lợi” là động từ trong câu lợi ích bà già hỏi thì được ông thầy bói hiểu là lợi - một bộ phận bên trong miệng. Rõ ràng ở đây “ông nói gà, bà nói vịt”. Qua biện pháp chơi chữ, tác giả dân gian không chỉ tạo ra sự hóm hỉnh, hài hước mà còn thông qua đó mỉa mai những loại người sống xa rời thực tế không nhìn nhận rõ thực tại: già rồi còn “cưa sừng làm nghé”. Và loại người chuyên đi dối gạt người khác như ông thầy bói, kiểu “Bói ra ma quét nhà ra rác”.
2. Xác định loại thể tác phẩm văn hoc:
Có nhiều tiêu chí để phân chia loại thể văn học. ở đây, chúng ta có thể tạm chia làm 5 loại: Tác phẩm tự sự, tác phẩm trữ tình, tác phẩm kịch, tác phẩm ký văn học và tác phẩm chính luận. Ở phạm vi bài này ta chỉ tập trung vào 2 thể loại là tác phẩm tự sự và tác phẩm trữ tình.
Trong hai thể loại tự sự và trữ tình còn có thể chia nhỏ như sau:
a) Tác phẩm tự sự : Có thể nói rằng phạm vi của tác phẩm tự sự hết sức rộng lớn và có thể phân loại ở nhiều góc độ khác nhau. Ở đây chỉ tập trung vào các thể loại phổ biến trong đời sống hiện nay: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn.
b) Tác phẩm trữ tình: Phạm vi của tác phẩm trữ tình cũng rất rộng. Có thể kể đến các khúc ngâm, thơ văn xuôi, ca trù, từ khúc. Nhưng đặc điểm chung của tác phẩm trữ tình được biểu hiện tập trung và tiêu biểu nhất là trong tác phẩm thơ trữ tình. Vì vậy, chúng ta chỉ cần tập trung nghiên cứu ở tác phẩm thơ trữ tình.
Khi phân tích 2 thể loại này, ta cần chú ý:
- Nếu là tác phẩm tự sự thì phải xác định được chủ đề và tư tưởng của chủ đề
- Nếu là tác phẩm trữ tình phải xác định được nhân vật trữ tình và cảm hứng chủ đạo
3. Tìm hiểu tiểu sử tác giả, quan điểm sáng tác, quá trình sáng tác, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm:
Trước khi tìm hiểu nội dung tác phẩm, chúng ta phải tìm hiểu tiểu sử tác giả,quan điểm sáng tác và quá trình sáng tác của tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Đây là tiền đề quan trọng để tìm hiểu một tác phẩm văn chương. Vì không nắm bắt được tiểu sử tác giả, quan điểm sáng tác và quá trình sáng tác của tác giả đặc biệt là hoàn cảnh ra đời của tác phẩm thì chúng ta sẽ phá vỡ tính logic của một tác phẩm văn chương khi phân tích.
a) Về tiểu sử tác giả: Cần lưu ý và nắm vững những điểm then chốt như:
- Quê quán
- Năm sinh, năm mất
- Quá trình trưởng thành
….
b) Về sự nghiệp sáng tác: có thể chia làm các giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn, tác giả sáng tác tập trung vào những đề tài nào? Những đề tài đó phản ánh những vấn đề gì trong cuộc sống? Đề tài nào là nổi bật? Ý nghĩa của nó là gì?
c) Về quan điểm sáng tác: Mỗi tác giả đều có những quan điểm sáng tác khác nhau. Vì vậy cần phải xác định được quan điểm sáng tác của tác giả. Có nắm vững quan điểm sáng tác của tác giả mới xác định được tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.
d) Về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm:
- Hoàn cảnh khách quan: chính là hoàn cảnh xã hội khi tác giả sáng tác
- Hoàn cảnh chủ quan: chính là tâm lý tác giả khi sáng tác
4. Tìm hiểu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm:
Khi tìm hiểu tác phẩm văn chương, chúng ta cần phải đặt tác phẩm trong mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Phân tích tác phẩm văn chương bao giờ cũng đặt tác phẩm trong mối quan hệ chặt chẽ và khăng khiết đó. Trong công trình mỹ học đại cương của mình, Hêghen – một triết gia lỗi lạc người Đức đã chỉ ra mối quan hệ này khăng khiết đến mức: “Nội dung không phải là cái gì khác mà là sự chuyển hoá hình thức vào trong nội dung. Hình thức không phải là cái gì khác mà là sự chuyển hoá nội dung ra hình thức”.
4.1. Tìm hiểu giá trị nội dung:
4.1.2. Bố cục tác phẩm:
Khi đã nắm vững tiểu sử tác giả, sự nghiệp sáng tác, quan điểm sáng tác và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, chúng ta tiến hành chia bố cục của tác phẩm. Để làm công việc này, ta có thể đặt ra các câu hỏi: tác phầm được chia làm mấy phần? Nội dung của mỗi phần nói về vấn đề gì? Vấn đề nào là trọng tâm? …….. (lấy ví dụ chứng minh)
4.1.3. Phân tuyến nhân vật trong tác phẩm:
Tuỳ theo mỗi tác phẩm văn chương, chúng ta có thể chia các tuyến nhân vật khác nhau như: nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nhân vật tích cực, nhân vật tiêu cức… Tất nhiên không phải bất kỳ tác phẩm văn chương nào ta cũng có thể làm công việc phân chia các tuyến nhân vật một cách rạch ròi. Việc phân tuyến nhân vật sẽ giúp chúng ta xác định được giá trị đích thực của tác phẩm.
Ví dụ 1: Trong tác phẩm “Chí Phèo”, ta có thể phân tuyến nhân vật như sau:
- Tuyến nhân vật chính diện: Thị Nở, bà cô Thị Nở, Chí Phèo…..
- Tuyến nhân vật phản diện: Bá Kiến, Lý Cường, Năm Thọ, Binh Chức, Tư Lãng, Đội Tảo….
Một bên đại diện cho người nông dân “thấp cổ bé họng”. Một bên đại diên cho thế lực cường quyền mà ở đấy là xã hội phong kiến cũ luôn chèn ép, áp bức người dân.
Hai tuyến nhân vật này luôn luôn xung đột và mẫu thuẫn nhau. Những xung đột đó có lúc bình thường, những có khi được đẩy lên đỉnh điểm.
Về vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau: Có người cho rằng nhân vật Chí Phèo ở tuyến nhân vật phản diện. Có người lại cho rằng Chí Phèo là nhân vật chính diện….
Thực ra mà nói, Chí Phèo chỉ là nạn nhân của xã hội phong kín thối nát mà thôi. Xã hội cũ đầy những bất công ngang trái đã tước đoạt cả hình hài và nhân tính trong con người Chí, biến Chí thành tên lưu manh, bần cùng hơn những thằng bần cùng. Nhưng xét cho cùng, Chí cũng đáng thương lắm. Chí đã từng có những ước mơ giản dị như bao người khác, ước mơ về một mái ấm gia đình có chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, chăng tơ……Những ước mơ đó nào có thực hiện được đâu.
Ví dụ 2: Trong kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, có thể phân làm hai tuyến nhân vật tiêu biểu:
- Nhân vật chính diện: Thúy kiều, Thúy Vân, Vương Quan, Kim Trọng, Từ Hải, sư Giác Duyên….
- Nhân vật phản diện : Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, Bạc Bà, Bạc Hạnh…
4.2. Tìm hiểu giá trị nghệ thuật:
Mỗi ngành nghệ thuật đều được tạo dựng bằng những chất liệu khác nhau. Nếu như hội hoạ , điêu khắc lấy màu sắc đường nét làm chất liệu thì văn chương lại lấy ngôn từ làm chất liệu. vì vậy, đến với hội hoạ, điêu khắc hay phim ảnh, mắt ta có thể nhìn thấy, tai ta có thể nghe và tay ta có thể sờ nắm hiện vật. Ngược lại đi vào tác phẩm văn chương ta chỉ cảm nhận và bằng cảm nhận mà thôi. Chính nhờ vậy, tác phẩm văn chương có thể phản ánh những điều khó thấy, không thấy trong thực tế nhưng có trong cảm giác con người:
Ví dụ 1:
“Mùa thu đánh rơi vào đêm chiếc lá
Hoàng hôn đánh rơi trên cỏ những gọt sương
Tiếng nhạc đánh rơi vào không gian những giọt đời lấp loáng:
vui
buồn
hạnh phúc
đắng cay….”
Ví dụ 2:
“ Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”
(Xuân Diệu)
Khi tìm hiểu giá trị nghệ thuật cần lưu ý các vấn đề sau đây:
4.2.1. Đối với tác phẩm tự sự: Khi phân tích các thể loại này, chúng ta cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ đối thoại…
- Cách xây dựng nhân vật
- Tạo dựng tình huống
- Thắt nút mở nút của truyện
- Xác định nhân vật trung tâm, nhân vật điển hình
……..
4.2.2. Đối với tác phẩm trữ tình: Khi khám phá tác phẩm thơ trữ tình cần chú ý các vấn đề sau:
- Xác định thi đề (nhan đề bài thơ), thi liệu (chất liệu tạo dựng bài thơ), thi tứ (còn gọi là tứ thơ là ý lớn xuyên suốt bài thơ. Nhưng ý ấy không được nói thẳng ra mà hoà quyện, biến hoá qua hình tượng có nhiều timg tòi, sáng tạo của nhà thơ. Tứ thơ thể hiện đậm nét cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ… của nhà thơ.
- Bố cục của bài thơ như thế nào? Bài thơ được chia làm mấy phần, mỗi phần gồm những khổ thơ (đoạn thơ) nào?
- Các biện pháp tu từ mà tác giả tạo dựng trong bài thơ như: so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ, hoán dụ, phúng dụ, thậm xưng, phóng đại, chơi chữ,…. Tạo dựng các biện pháp tu từ đó nhằm mang lại hiệu quả thẩm mỹ như thế nào?
- Cách dùng từ, đặt câu: Trong tác phẩm thơ thường được tác giả sử dụng từ ngữ hết sức trong sáng. câu thơ , lời thơ bao giờ cũng giàu hình ảnh, nhạc điệu có sức khái quát cao và có khả năng tác động vào trí tưởng tượng của người đọc những cách cảm nhận rất phong phú.
- Cách dùng các dấu câu: Khi phân tích thơ, chúng ta nên chú ý đến các dấu câu như: dấu chấm, dấu phẩy, dấu cảm, dấu hỏi…Vì có khi dấu câu cũng đem lại hiệu quả thẩm mỹ một cách bất ngờ.
Ví dụ: Trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu có câu thơ: “Tôi sung sướng. Nhưng vôi vàng một nửa”. Câu thơ bị cắt làm hai dòng tâm sự và bị ngăn cách bởi dấu chấm. Một nửa là sự hồ hởi, phấn khởi. Một nửa lại là sự vôi vàng cuống quýt. Một nửa là niềm vui. Một nửa lại là nỗi buồn. Mùa xuân của đất trời bao giờ cũng vô hạn còn mua xuân của con người thì chỉ hữu hạn. Vì vậy, Xuân Diệu mới giục giã, mới vội vàng. Câu thơ đã diễn tả được tâm trạng khát khao giao cảm với đời của Xuân Diệu một cách mãnh liệt.
- Cách gieo vần, ngắt nhịp trong thơ : ví dụ nhịp 2/2/2, nhịp 2/3/2 hoặc cách gieo vần.
……….
Nói tóm lại, khi tiếp cận tác phẩm văn chương, chúng ta phải xem xét một cách toàn diện, phải lật đi lật lại vấn đề và nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, và bao giờ cũng đặt tác phẩm trong mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Nếu như trong khoa học tự nhiên, chúng ta có thể hiểu 2 + 2 = 4. Nhưng trong khoa học xã hội, công thức trên không phải lúc nào cũng đúng. Khi tiếp cận các ngành khoa học tự nhiên, chúng ta dùng lý trí là cơ bản. Nhưng để khám phá các ngành khoa học xã hội thì ngoài lý trí còn cần phải có tình cảm, cảm xúc từ bên trong. Vì vậy, để giải một bài toán, người ta dùng tư duy lô gíc Còn cảm nhận bài văn thì phải là tư duy tình cảm, cảm xúc
(Sưu tầm)