Trong cuộc đời sinh viên của mình, tôi rất tự hào và hạnh phúc vì đã may mắn được tham gia vào những sự kiện, những công việc có ích cho việc hòan thiện bản thân và cho nghề nghiệp tương lai. Nhưng có lẽ, chuyến đi thực tế vào đầu tháng 3 năm 2010 vừa qua là kỉ niệm đậm sâu và khó quên nhất trong cuộc đời Sinh viên của tôi. Trong suốt cuộc hành trình dài 12 ngày này, tôi cùng các bạn sinh viên lớp Sư phạm Lịch Sử và hai Cán bộ của Bộ môn Lịch Sử - Khoa Sư Phạm – Trường Đại Học Cần Thơ đã đến thăm nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và đền chùa xinh đẹp của Việt Nam.
Khởi hành vào rạng sáng ngày 03/03/2010, đoàn chúng tôi đi thẳng đến Nha Trang – Một Thành phố biển đẹp vào loại bậc nhất của nước ta. Tại đây chúng tôi đã được đến tham quan Tháp Bà BONNAGA – một công trình kiến trúc độc đáo, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, sau đó lại đến thăm Viện Hải Dương Học nơi lưu trữ rất nhiều các loài sinh vật biển nổi tiếng.
Ngày hôm sau 05/03/2010, đoàn chúng tôi tiến thẳng ra Đà Nẵng – Trung tâm kinh tế trọng điểm của Miền Nam Trung Bộ và cũng là nơi có rất nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng như: Núi Ngũ Hành Sơn, Bảo Tàng Chăm, …và còn rất nhiều rất nhiều những danh thắng đẹp, nổi tiếng khác.
Đến đây đoàn chúng tôi đã đi được gần 1/3 chặng đường, tôi nhận thấy rằng ở mõi vùng miền điều có một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, trong đó thể hiện rõ nhất là trong các món ăn, thức uống, cảnh sinh hoạt… Tuy nhiên, có một nét tương đồng giữa các vùng miền trên đất nước ta là bên cạnh những thành thị phồn hoa thì đâu đâu cũng vẫn còn tồn tại hình ảnh của một làng quê thanh bình.
Sau đó, ngày 07/03/2010, đoàn chúng tôi lại hành lý lên xe tiến thẳng ra Thành Phố Huế, ấn tượng đặc biệt của tôi là khi đi từ Đà Nẵng ra Huế là lúc vượt Đèo Hải Vân, Đèo Hải Vân – là một mạch núi trong dãy Trường Sơn, là ranh giới giữa Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam. Đây là con đèo có mức độ hiểm trở bậc nhất trong các ngọn đèo ở Việt Nam với chiều dài 21km. Trên đỉnh cao nhất của đèo, với độ cao 496 m so với mực nước biển. Tại đây, có bãi đất rất rộng để dừng xe nghỉ chân, từ chỗ dừng chân này chúng tôi có thể ngắm biển và chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của cả con đèo.
Uploaded with
ImageShack.usĐỉnh Đèo Hải Vân
Đến trưa cùng ngày đoàn chúng tôi đã đến Huế - một Thành phố với một vẻ lung linh huyền ảo - đầy mộng mơ:
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ"
Vâng, ai đã một lần đến Huế mà không khỏi xúc động trước vẻ đẹp của Huế, và tôi cũng thế, bởi vì Huế là một thành phố có một nét đẹp vừa nên thơ, vừa cổ kính. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, cố đô xưa nay vẫn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị lịch sử, văn hoá và tinh thần tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam kết tinh từ bao đời nay...
Đến Huế, trước tiên, chúng tôi đã đến tham quan “Lăng Tự Đức” hay Khiêm Lăng – là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Có thể nói Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Sau đó, trên đường về khách sạn, đoàn chúng tôi đã ghé qua thăm khu di tích cụ Phan Bội Châu, bao gồm khu nhà ở, lăng mộ và khu từ đường với tổng diện tích gần 5000 m2 nằm ở phường Trường An - Thành phố Huế.
Tối đó, chúng tôi đã có dịp lang thang dạo chơi trên đường phố Huế, tôi nhận thấy một điều đường phố Huế tuy không lớn, đông đúc như ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay Hà Nội, nhưng lại mang trong mình một vẻ đẹp giản dị, sự bình yên khi đêm về. Ở đây người ta hành nghề xích lô rất đông, vì du khách ở xa đến đây thường sử dụng xích lô để đi dạo 1 vòng quanh Thành phố Huế với giá từ 20 – 30 nghìn trên 1/khách.
Sáng hôm sau 08/03 đoàn chúng tôi có dịp đến tham quan Động Phong Nha (Quảng Bình) một danh thắng nổi tiếng không chỉ đối với du khách trong nước mà còn trên cả Thế Giới. Nơi đây, sự giao hoà của rừng nguyên sinh và sông Son, cùng với động khô và động nước tạo nên một bức tranh thuỷ mặc làm say lòng người. Phong Nha Kẻ Bàng đã được tổ chức văn hoá thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Để đến được với động, đoàn chúng tôi phải xuôi theo dòng sông Son xanh biếc nằm uốn mình dưới chân dải núi Đông Trường Sơn khoảng 45 phút. Trên cuộc hành trình, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dải Trường Sơn hùng vĩ, nơi gắn liền với cuộc kháng chiến trường kì chống Mỹ của dân tộc. Gần vào đến hang, điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được là khí hậu mát mẻ, có phần hơi lạnh của động toả ra. Theo thuyền độc mộc bồng bềnh vào hang sâu, bóng tối trong hang làm cho các ánh nhũ của các thạch đá, sáng lấp lánh huyền ảo, đẹp lạ lùng.cảnh núi non sông nước quyến rũ, thiên nhiên hùng vĩ với vô vàn hình ảnh kỳ thú hiện ra như khêu gợi trí tưởng tượng của con người.
Chúng tôi tham quan Động độ khoảng 2h rồi lại xuôi thuyền trở ra. Cảm giác trong tôi vẫn còn nhiều nuối tiếc về một Phong Nha hùng vĩ. Đến trưa cùng ngày, đoàn chúng tôi quay về Thành Phố Huế nghỉ ngơi để sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình đầy thú vị.
Uploaded with
ImageShack.usCửa vào Động Phong Nha
Sáng ngày 09/03/2010, tờ mờ sáng khí trời se lạnh và một cơn mưa rào đã giăng phủ cả bầu trời Huế. Hôm nay chúng tôi đến thăm chùa Thiên Mụ -một ngôi cổ kính bậc nhất đất cố đô. Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê , ngay sát tả ngạn dòng sông Hương thơ mộng , cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây. Mặc dù bầu trời sáng ngày hôm nay không được lý tưởng lắm, nhưng khi đến nơi tôi đã không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp cổ kính của tháp Phước Duyên - một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của chùa Thiên Mụ. Vào bên trong, chùa còn có những công trình kiến trúc nổi tiếng khác như điện Đại Hùng , điện Địa Tạng , Quan Âm …cùng nhiều bia đá, chuông đồng và rất nhiều những cổ vật quí giá khác , có giá trị to lớn cả về lịch sử và nghệ thuật.
Uploaded with
ImageShack.usChùa Thiên Mụ (Huế)
Sau đó, chúng tôi đã đến tham quan Tử Cấm Thành (Đại Nội) đây được xem là điểm đến khá hấp dẫn đối với du khách gần xa. Tử Cấm Thành là vòng thành nằm trong Hoàng Thành ngay sau lưng điện Thái Hoà. Được xây dựng vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long, chu vi khoảng 1230 mét, là một Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4 mét, dày 1 mét xung quanh có hào bảo vệ, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ và có 7 cửa ra vào riêng Ngọ Môn chỉ dành để cho vua đi. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm, với biết bao thăng trầm của lịch sử, bao năm tháng bào mòn của thời gian, qua hàng chục lần trùng tu, tôn tạo , Tử Cấm Thành có được diện mạo bề thế như hiện nay là nhờ sự cố gắng giữ gìn xây dựng của biết bao thế hệ con người xứ Huế. Chúng tôi đã theo chân người hướng dẫn đi khắp một vòng dưới cái không khí se se lạnh của trời Huế, tuy có hơi mệt mỏi nhưng ai ai cúng điều phấn khởi và vô cùng mãn nguyện vì ít nhiều trong đời của mình cũng đã từng được đến viếng thăm một Hoàng Thành uy nghi tráng lệ, mà vốn dĩ nó chỉ dành riêng cho vua chúa Việt Nam ngày xưa.
Uploaded with
ImageShack.usTử Cấm Thành (Đại Nội Huế)
Sao đó đoàn chúng tôi giã biệt Tử Cấm Thành, quay về khách sạn nghỉ ngơi để sáng ngày hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. Giã biệt Tử Cấm Thành cũng là lúc chúng tôi cũng sắp giả biệt Thành Phố Huế mộng mơ; làm sao có thể cảm nhận được cuộc sống đầy thơ mộng và đầy thú vị trong cảm giác ở Huế khi ta lưu lại đó ít ngày. Bởi Huế đẹp với dáng vẻ duyên dáng riêng của nó, một cái đẹp được kết hợp giữa thiên nhiên với những hứng khởi của con người trong sự tĩnh lặng siêu nhiên, đem lại sự thư thái trong tâm hồn của ta.
Ngày 10/03/2010, đoàn chúng tôi quay về Đà Lạt – một địa điểm nghỉ mát lý tưởng nhất cho du khách gần xa. Trên đường về Đà Lạt thì đoàn chúng tôi có ghé qua thăm Bảo Tàng Quang Trung thuộc trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay. Thật xúc động biết bao khi nhìn thấy những hiện vật của anh em nhà Tây Sơn cách nay khoảng 200 trăm năm mà vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Hình ảnh của anh em nhà tướng võ vẫn sừng sững hiên ngang đó càng gợi lại cho ta nhớ lại một thời oanh liệt, khí phách hào hùng của dân tộc.
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi tiến thẳng lên Đà Lạt, đến khoảng 17h ngày 11/03/2010 thì đến nơi; tôi được biết đến Đà Lạt với rất nhiều tên gọi khác nhau như: Thành phố ngàn thông, Thành phố hoa, Thành phố mù sương hay Thành phố mộng mơ,… Cho dù với tên gọi nào, Đà Lạt vẫn luôn có sức quyến rũ đặc biệt đối với du khách khắp nơi bởi không khí trong lành, khung cảnh nên thơ và những truyền thuyết tình yêu lãng mạn. Đến với Đà Lạt - thành phố cao nguyên ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, chắc hẳn chúng ta sẽ bị mê hoặc bởi những cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng chỉ riêng có ở nơi này! Cảm giác đầu tiên khi tôi đặt chân đến Đà Lạt là cảnh sắc và khí hậu thành phố rất riêng, điều ấn tượng nhất của tôi là trên mọi tuyến đường, ngã ba, hay ngã tư điều không có đèn xanh, đèn đỏ, tạo nên một nét đặc trưng rất riêng biệt mà chỉ có Đà Lạt mới có.
Đoàn chúng tôi ở lại Đà lạt 2 ngày, 3 đêm, trong khoảng thời gian này, chúng tôi đã được đi tham quan một số địa điểm nổi tiếng ở Đà Lạt như: Thiền Viện Trúc Lâm, đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Sau đó đoàn chúng tôi đến tham quan Dinh Bảo Đại ( Dinh III), cách trung tâm Thành phố Ðà Lạt 2km về hướng Tây Nam trên một đồi thông cao 1539m. Dinh III là biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Ðại được xây dựng từ năm 1933 – 1937, Toàn thể công trình chịu nặng phong cách kiến trúc Phương Tây, cách bố trí trong Dinh từ phòng ngủ đến phòng khách cũng hết sức hài hòa, trang nhã, tạo cho du khách có một cảm giác hết sức thoải mái khi vào Dinh, tất cả đếu như chỉ mới hôm qua đã tạo cho tôi mường tượng được cuộc sống của các vị vua chúa trước đây như thế nào.
Dinh III Bảo Đại
Đến ngày cuối cùng 13/03/2010 đoàn chúng tôi đến tham quan Vườn Hoa Đà Lạt, có thể nói rằng không nơi nào trên đất nước ta lại có nhiều hoa như ở Đà Lạt: từ hoa rừng nhiệt đới tới các loài hoa của Phương Đông, Phương Tây, với hơn hàng trăm giống hoa khác nhau, có loài được biết đến, nhưng cũng có loài người ta chỉ nghe tên. Rời khỏi vườn hoa, đoàn chúng tôi đến Thung Lũng Tinh Yêu, là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất tại Đà Lạt, là một điểm đến lý tưởng cho những đôi tình nhân, bởi cái không khí lãng mạng mà chỉ duy nhất nơi đây mới có. Chiều ngày hôm đó, chúng tôi đã có dịp đến giao lưu với người dân tộc “K’Ho” được thưởng thức rượu cần và thịt rừng nướng. Trong không khí se se lạnh của Đà Lạt, chúng tôi quay quần bên đóng lửa hồng, cùng ca hát nhảy múa và được thưởng thức món rượu cần với thịt rừng nướng quả thật rất tuyệt, đến tận bây giờ mà tôi vẫn còn nhớ mãi.
Thung Lũng Tình Yều (Đà Lạt)
Sáng ngày 14/03, chúng tôi lên xe trở về Cần Thơ, chia tay với Thành phố Đà Lạt xinh đẹp, mọi người trong đoàn đều thấy luyến tiếc vì chuyến thực tế thật bổ ích nhưng sao lại ngắn ngủi đến thế.
Trong suốt cuộc hành trình 12 ngày, tôi đã phát hiện ra nhiều điều hết sức thú vị. Một trong những điều thú vị đấy là cảm nhận về các Thầy Cô của tôi. Các Thầy Cô thường ngày vốn rất nghiêm nghị thì nay lại trở nên hết sức gần gũi, vui vẻ, và nhiệt tình động viên chúng tôi trong suốt chuyến đi. Mặc dù thời gian di chuyển trên xe tương đối nhiều, nhưng sinh viên chúng tôi không hề thấy mệt mỏi và buồn chán. Một điều làm tôi thích thú nữa là nhờ có chuyến đi này, sinh viên chúng tôi đã có cái nhìn thực tế và hiểu hơn về các địa danh nổi tiếng. Chuyến đi cũng là cơ hội để các bạn trong lớp tôi gần gũi, gắn bó và thân thiết với nhau hơn. Tôi chợt nhận ra những người bạn của tôi, tuy mỗi người một tính nhưng đều rất nhiệt tình và đáng yêu.
Là một sinh viên ngành Sư Phạm Lịch Sử, chuyến đi thực tế này, đối với tôi, thật vui và bổ ích. Tôi xin chân thành cám ơn Thầy Trần Minh Thuận, Cô Đặng Thị Tầm đã nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ đoàn chúng tôi trong suốt chuyến đi thật vui và bổ ích này. Cám ơn các anh hướng dẫn viên đáng yêu đã giúp tôi biết được nhiều kiến thức hữu ích. Và hơn hết là cám ơn cha mẹ tôi đã chắp cánh cho những chuyến đi vì tương lai như thế.
Nguyễn Đức Toàn
Lớp Sư Phạm Lịch Sử K33
Trường Đại Học Cần Thơ